Lịch sử hoạt động Vought_F4U_Corsair

Hải quân và Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ trong Thế Chiến II

Corsair bắt đầu phục vụ tại tiền tuyến vào đầu năm 1943. Khoảng một tá chiếc F4U-1 của Thủy quân Lục chiến di chuyển đến căn cứ Henderson Field trên đảo Guadalcanal (mật danh "Cactus") trong quần đảo Solomon ngày 12 tháng 2 năm 1943. Trận chiến đầu tiên được ghi nhận vào ngày 14 tháng 2 năm 1943, khi Corsair của Phi Đội VMF-124 do Thiếu tá William E. Gise chỉ huy giúp đỡ P-40 WarhawkP-38 Lightning trong việc hộ tống các máy bay ném bom B-24 Liberator không kích các cứ điểm Nhật trên quần đảo Solomons. Máy bay tiêm kích Nhật kháng cự lại cuộc không kích và người Mỹ bị thiệt hại nặng, mất bốn chiếc P-38, hai P-40, hai Corsair và hai Liberator. Không quá bốn chiếc Zero bị tiêu diệt. Một chiếc Corsair ghi được một "chiến công," nhưng chẳng có gì hãnh diện khi nó chỉ là do va chạm nhau trên không. Sự thất bại này thường được gọi là "Thảm họa ngày lễ thánh Valentine."[23].

Một chiếc Corsair bắn rocket xuống cứ điểm phòng thủ Nhật trên đảo Okinawa

Mặc dù sự khởi đầu chiến đấu của Corsair không mấy ấn tượng, lực lượng Thủy quân Lục chiến nhanh chóng nắm bắt cách sử dụng chúng hiệu quả và chứng tỏ tính ưu việt của nó so với máy bay tiêm kích Nhật. Đến tháng 4 năm 1943, Corsair khởi sự có ưu thế; rồi đến tháng 5, phi đội VMF-124 có "Ách" Corsair đầu tiên, Thiếu úy Kenneth A. Walsh, sau này có tổng cộng 21 chiến công trong suốt cuộc chiến tranh.[24].

Corsair cũng phục vụ tốt trong vai trò máy bay tiêm kích-ném bom ở Trung Thái Bình Dương và tại Philippines. Đến mùa Xuân 1944, phi công Thủy quân Lục chiến khởi sự khai thác khả năng hỗ trợ mặt đất trong đổ bộ. Phi công lừng danh Charles Lindbergh bay Corsair cùng với Thủy quân Lục chiến như là cố vấn kỹ thuật dân sự nhằm xác định cách thức gia tăng tải trọng chiến đấu của Corsair cũng như hiệu quả trong vai trò tấn công. Lindbergh đã tìm cách cất cánh chiếc F4U với 1.800 kg (4.000 lb) bom, một quả 2.000 lb (900 kg) treo dưới thân và một quả 450 kg (1.000 lb) dưới mỗi cánh. Trong những lần thử nghiệm như thế, ông cũng tham gia tấn công các vị trí Nhật trong các trận chiến tại quần đảo Marshall.

Đến đầu năm 1945, Corsair đã trở nên máy bay hỗ trợ mặt đất ("mudfighter") thực thụ, tấn công mục tiêu bằng bom công phá cao, bom cháy (napal) và rocket. Nó là chiến binh nổi bật trong các trận đánh Palaus, Iwo Jima, và Okinawa, khi các đơn vị mặt đất gọi chúng là "Người tình" (sweetheart) vì các hỗ trợ được mong đợi mỗi khi tình hình trở nên khó chịu.

Thống kê cuối cuộc chiến cho thấy F4U và FG thực hiện 64.051 phi vụ cho cả Hải quân và Thủy quân Lục chiến (44% tổng số phi vụ tiêm kích), chỉ có 9.581 phi vụ (15%) thực hiện từ tàu sân bay.[25] Phi công của F4U và FG ghi được 2.140 chiến công không chiến và chịu 189 thiệt hại do máy bay định, đạt tỉ lệ thắng:thua chung lớn hơn 11:1.[26] Kiểu máy bay này đối địch tốt với những máy bay tốt nhất của Nhật, đạt tỉ lệ 12:1 khi chống lại Mitsubishi A6M, 7:1 đối với Nakajima Ki-84, 13:1 đối với Kawanishi N1K-J, và 3:1 đối với Mitsubishi J2M trong năm chiến tranh cuối cùng.[27] Corsair gánh phần nặng của các phi vụ tiêm kích-ném bom, khi ném tổng cộng 15.621 tấn bom (70% số bom ném bởi máy bay tiêm kích).[26]

Thiệt hại của Corsair trong Thế Chiến II tổng kết như sau:

  • Do không chiến: 189
  • Do hỏa lực phòng không của địch: 349
  • Tai nạn trong khi chiến đấu: 230
  • Tai nạn trong các chuyến bay không chiến đấu: 692
  • Bị phá hủy trên tàu hay trên mặt đất: 164[26]

Chiến công thú vị nhất có lẽ là của Thiếu úy Thủy quân Lục chiến R.R. Klingman thuộc phi đội VMF-312 Checkerboards trên bầu trời Okinawa. Theo như câu chuyện kể lại, anh đang bám đuôi một chiếc tiêm kích 2-động cơ Kawasaki Ki-45 Toryu ("Nick") ở cao độ rất cao thì súng của anh kẹt đạn do dầu bôi trơn bị đông lại vì quá lạnh. Anh sáp lại gần và băm nát đuôi chiếc Ki-45 bằng cánh quạt lớn của chiếc Corsair. Cho dù đầu những cánh quạt của anh bị mòn mất 5 inch, anh vẫn xoay xở hạ cánh an toàn và được trao tặng huy chương Chữ Thập Hải Quân.[28].

Hải quân Hoàng gia Anh

Không lực Hải quân Hoàng gia Anh (FAA) đưa Corsair vào hoạt động sớm hơn Hải quân Mỹ. Các đơn vị Anh Quốc hoạt động trên tàu sân bay giải quyết vấn đề tầm nhìn khi hạ cánh bằng cách tiếp cận tàu sân bay bằng một vòng lượn vừa từ bên trái, cho phép phi công quan sát được sàn đáp qua chỗ lỏm của cánh và hạ cánh trên tàu sân bay được an toàn.[29]

Trong những ngày đầu của chiến tranh, nhu cầu máy bay tiêm kích của Hải quân Hoàng gia được đáp ứng bằng những kiểu thiết kế 2-chỗ ngồi cồng kềnh như Blackburn Skua, Fairey FulmarFairey Firefly, dựa trên suy đoán rằng chúng chỉ dùng để chiến đấu chống lại những máy bay ném bom tầm xa hoặc thủy phi cơ. Hải quân Hoàng gia nhanh chóng áp dụng những kiểu có tính năng bay cao nhưng kém mạnh biến cải từ những kiểu máy bay trên bộ, như chiếc Supermarine Seafire. Corsair được hoan nghênh vì là kiểu mạnh mẽ và linh hoạt hơn những kiểu cải biến.

Khi hoạt động trong Hải quân Hoàng gia, đa số Corsair có phần ngoài cánh được thu gọn để chứa được trên các tàu sân bay cũng như có tính năng bay tốt hơn ở cao độ thấp. Cho dù có cánh được thu gọn và chiều dài sàn đáp của tàu sân bay Anh ngắn hơn, phi công Hải quân Hoàng gia ít gặp phải vấn đề tai nạn khi hạ cánh hơn phi công Mỹ do kiểu tiếp cận lượn vòng đề cập bên trên. Corsair được sử dụng rộng rãi tại Hạm Đội Anh Thái Bình Dương từ cuối năm 1944 cho đến hết chiến tranh, trong sáu phi đội đóng trên tàu sân bay, thực hiện các phi vụ can thiệp, tấn công mặt đất, bắn hạ được 47,5 máy bay địch.

Hải quân Hoàng gia nhận được 95 chiếc Corsair Mk I (F4U-1) và 510 chiếc Mk II (F4U-1A). Những chiếc được chế tạo bởi Goodyear được gọi là Mk III (tương đương với FG-1D), và bởi Brewster được gọi là Mk IV (tương đương F3A-1D). Máy bay Corsair Anh được rút gọn cánh 20 cm ở phía đầu cánh, cho phép chứa F4U trong tầng dưới các tàu sân bay Anh. Hải quân Hoàng gia là bên đầu tiên đưa F4U ra hoạt động trên tàu sân bay. Họ chứng minh được rằng Corsair Mk II có thể hoạt động ở một mức độ thành công nào đó ngay cả trên các tàu sân bay hộ tống nhỏ. Tất nhiên không phải hoàn toàn không có sự cố, một trong số đó là hao mòn các dây hãm do trọng lượng nặng của chiếc Corsair và sự căng thẳng của phi công để duy trì máy bay không tròng trành ở tốc độ tối thiểu.

Các đơn vị của Không lực Hải quân Hoàng gia được thành lập và trang bị tại Mỹ, ở Quonset Point hay Brunswick, và sau đó được chuyển ra chiến trường trên các tàu sân bay hộ tống. Đơn vị được trang bị Corsair đầu tiên là Phi đội 1830, thành lập ngày 1 tháng 6 năm 1943, và hoạt động trên tàu sân bay HMS Illustrious. Đến cuối chiến tranh, 19 phi đội Hải quân Hoàng gia được trang bị Corsair, và hoạt động trên cả mặt trận châu Âu và Thái Bình Dương. Những chiến dịch đầu tiên và quan trọng nhất là một loạt các cuộc tấn công vào tháng 4, tháng 7 và tháng 8 năm 1944 nhắm vào chiếc Thiết giáp hạm Đức Tirpitz, trong đó những chiếc Corsair xuất phát từ các tàu sân bay HMS VictoriousHMS Formidable yểm trợ từ trên không.[30] Những chiếc Corsair trong các chiến dịch này đã không gặp sự kháng cự trên không nào.

Corsair Hải quân Hoàng gia ban đầu được sơn màu ngụy trang xanh lá/xanh rêu phía trên và trắng phía dưới, nhưng sau đó được sơn toàn bộ xanh dương đậm. Những chiếc hoạt động trên mặt trận Thái Bình Dương mang một phù hiệu Anh đặc biệt - một vòng tròn xanh trắng cải tiến trên một sọc trắng, để nhìn trông gần giống phù hiệu Mỹ hơn là phù hiệu Nhật Bản hầu tránh bị bắn nhầm. Có tổng cộng 2.012 chiếc Corsair được cung cấp cho Vương quốc Anh.

Trên mặt trận Thái Bình Dương, Corsair Hải quân Hoàng gia bắt đầu hoạt động từ tháng 4 năm 1944, tham gia cuộc tấn công Sabang, và sau đó tấn công các nhà máy lọc dầu tại Palembang. Trong tháng 7 và tháng 8 năm 1945, các phi đội Corsair số 1834 1836, 1841 và 1842, xuất phát từ các tàu sân bay HMS Victorious and Formidable tham dự một loạt các cuộc tấn công vào chính quốc Nhật Bản gần Tokyo.[31]

Có ít nhất một chiếc Corsair bị Đức chiếm được, đó là chiếc Corsair JT404 của Phi đội 1841 (HMS Formidable) do Đại úy RS Baker-Falkner, chỉ huy phi đội, buộc phải hạ cánh khẩn cấp ngày 18 tháng 7 năm 1944 tại một cánh đồng ở Sorvag, gần Bodo, Na Uy. Chiếc Corsair bị chiếm còn nguyên vẹn, và sau đó không rõ là nó có được đưa sang Đức hay không.[32]

Ngày 9 tháng 8 năm 1945, khi chỉ còn vài ngày là chiến tranh kết thúc, những chiếc Corsair từ tàu Formidable tấn công cảng Shiogama ở bờ biển đông bắc Nhật Bản. Phi công người Canada, Trung úy Robert Hampton Gray, bị pháo phòng không bắn trúng nhưng vẫn tấn công và đánh chìm một tàu khu trục Nhật bằng một bom 450 kg (1.000 lb), nhưng anh bị rơi máy bay ngoài biển. Anh được truy tặng huân chương Victoria Cross, trở thành phi công Canada thứ hai, cũng là cuối cùng, được trao tặng huân chương này. Đây cũng là tổn thất cuối cùng của Canada trong Thế Chiến II[33].

Không quân Hoàng gia New Zealand

Corsair FG-1D (F4U-1D do Goodyear chế tạo) phục vụ trong Không quân Hoàng gia New Zealand.

Được trang bị những chiếc máy bay Curtiss P-40 lạc hậu, các phi đội Không quân Hoàng gia New Zealand tại chiến trường Nam Thái Bình Dương hoạt động khá ấn tượng so với các đơn vị Hoa Kỳ cùng chiến đấu, đặc biệt là trong vai trò không chiến. Chính phủ Hoa Kỳ do đó đã có quyết định cho phía New Zealand được tiếp cận sớm những chiếc Corsair, nhất là khi nó chưa được sử dụng ngay trên các tàu sân bay. Có khoảng 424 chiếc Corsair được trang bị cho các lực lượng New Zealand, thay thế những chiếc SBD Dauntless cũng như P-40. Những phi đội đầu tiên được trang bị Corsair là Phi đội 20 và Phi đội 21, đóng trên đảo Espiritu Santo, hoạt động từ tháng 5 năm 1944. Đến cuối năm 1944, F4U được trang bị cho tất cả 12 phi đội tiêm kích New Zealand tại Thái Bình Dương.[34] Trong các đơn vị Corsair của Không quân Hoàng gia New Zealand, chỉ có các phi công và một nhóm nhỏ nhân viên trực thuộc phi đội, trong khi máy bay và nhóm kỹ thuật bảo trì lại được gom về một nhóm chung.

Tuy nhiên, đến khi Corsair có mặt tại chiến trường, gần như không còn máy bay Nhật hiện diện tại những khu vực Nam Thái Bình Dương do phía New Zealand đảm trách, cho dù các phi đội New Zealand có mở rộng các hoạt động của họ lên các đảo phía Bắc, Corsair được dùng chủ yếu cho các nhiệm vụ hỗ trợ mặt đất cho các đơn vị Hoa Kỳ, AustraliaNew Zealand chống lại lực lượng Nhật Bản trên bộ. Các phi công New Zealand nhận biết được tầm nhìn trước khá kém của Corsair cũng như xu hướng bị lộn vòng xuống đất, nhưng giải quyết được các thiếu sót này bằng các huấn luyện phi công cách tiếp cận vòng cung trước khi sử dụng chúng tại các sân bay dã chiến ngoài mặt trận.

Corsair Không quân Hoàng gia New Zealand chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ mặt đất, và do đó không ghi được chiến công không chiến nào. Tháng 9 năm 1945, Phi đội 14 mang những chiếc Corsair của nó đến Nhật Bản như là một thành phần của Lực lượng Chiếm đóng Khối Thịnh vượng chung Anh. Đến cuối năm 1945, tất cả các phi đội Corsair ngoại trừ Phi đội 14 đóng tại Nhật được giải thể. Corsair ngưng phục vụ năm 1947.[35]

Chiến tranh Triều Tiên

Trong chiến tranh Triều Tiên, Corsair được sử dụng hầu hết trong vai trò hỗ trợ mặt đất. Chiếc AU-1 Corsair là một phiên bản tấn công mặt đất được sản xuất cho chiến tranh Triều Tiên, trang bị động cơ Pratt & Whitney R-2800, cho dù vẫn có tăng áp, hoạt động ở tầm cao không bằng F4U. Khi chiếc Corsair chuyển đổi vai trò từ tiêm kích chiếm ưu thế trên không sang tấn công mặt đất, kiểu cánh hải âu ngược tỏ ra có hiệu quả. Kiểu cánh thẳng và thấp thường che khuất tầm nhìn từ buồng lái xuống mặt đất khi bay ngang, nhưng một phi công Corsair có thể nhìn qua "khe" cánh mà không cần thiết phải lượn qua lại.

Các phiên bản AU-1, F4U-4B, F4U-4C, F4U-4P và F4U-5N tham gia chiến đấu tại Triều Tiên trong thời gian 1950 đến 1953. Những trận không chiến đã xảy ra giữa F4U và những chiếc máy bay tiêm kích Yakovlev Yak-9 do Liên Xô chế tạo vào giai đoạn đầu của cuộc xung đột, nhưng khi đối phương đưa chiếc tiêm kích phản lực Mikoyan-Gurevich MiG-15 nhanh hơn vào hoạt động, Corsair bị qua mặt, cho dù một phi công thủy quân lục chiến đã gặp may. Vào ngày 10 tháng 9 năm 1952, một chiếc MiG-15 đã sai lầm sa vào việc tranh chấp lượn vòng với một chiếc Corsair của Đại úy Jesse G. Folmar, và bị Folmar bắn hạ bằng bốn khẩu pháo 20 mm.[36] Đồng đội của chiếc MiG nhanh chóng phục thù, bắn hạ Folmar, nhưng anh nhảy dù ra và được cứu thoát với những vết thương nhẹ.

Máy bay Corsair tiêm kích ban đêm được sử dụng rộng rãi. Đối phương áp dụng chiến thuật bắn phá các vị trí của lực lượng Mỹ bằng loại máy bay Polikarpov Po-2 bay thấp và chậm, và những chiếc tiêm kích phản lực bay đêm thấy khó mà bắt kịp những tên "Bedcheck Charlie" khó chịu này. Những chiếc F4U-5N của Hải quân được bố trí tại các căn cứ dọc bờ biển để truy tìm chúng, và Trung úy Hải quân Guy Pierre Bordelon Jr trở nên Phi công "Ách" Hải quân duy nhất trong cuộc chiến tranh này.[37] "Pierre May Mắn" ghi được năm chiến công (hai Yakovlev Yak-18 và ba Po-2).[36] Tổng cộng Corsair của Hải quân và Thủy quân Lục chiến bắn hạ được 12 máy bay địch.[36]

Thông thường, Corsair thực hiện tấn công với pháo, bom cháy, các loại bom phá và rocket không điều khiển. Rocket HVAR kiểu cũ là một vũ khí tin cậy, nhưng vì những xe bọc thép do Xô Viết chế tạo tỏ ra chống chọi được HVAR, nên đưa đến việc phát triển kiểu đầu đạn lỏm 16,5 cm (6,5 in) chống tăng, được gọi là "Rocket chống tăng" (ATAR). Kiểu rocket Tiny Tim này cũng được dùng trong chiến đấu. Người ta còn kể câu chuyện về một phi công Corsair đã cắt đường dây thông tin đối phương bằng móc hãm (để đáp trên tàu sân bay) của máy bay mình.

Hải quân Pháp (Aeronavale)

Một chiếc Corsair F4U-5N, được sơn ký hiệu của Phi Đội VMF-312, xuất hiện trong cuộc thao diễn hàng không "2005 AirVenture" tại Oshkosh, Wisconsin, Hoa Kỳ.

Có tổng cộng 94 chiếc F4U-7 được chế tạo cho Không lực Hải quân Pháp (Aeronavale) vào năm 1952, và chiếc cuối cùng trong loạt, cũng là chiếc Corsair cuối cùng được sản xuất, lăn bánh tháng 12 năm 1952. Thực ra F4U-7 được mua bởi Hải quân Mỹ và chuyển giao cho Aeronavale thông qua Chương trình Trợ giúp Quân sự Hoa Kỳ (MAP). Pháp sử dụng những chiếc F4U-7 trong giai đoạn cuối khó khăn của cuộc Chiến tranh Đông Dương trong những năm 1950, nơi nó được bổ sung thêm ít nhất 25 chiếc AU-1 nguyên của Thủy quân Lục chiến Mỹ chuyển cho Pháp năm 1954 sau khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên.[38]

Corsair Pháp cũng tham gia tấn công trong Chiến tranh Algeria những năm 1955 – 1956, và hỗ trợ liên quân Anh-Pháp-Israel trong việc chiếm đóng kênh đào Suez vào tháng 10 năm 1956 trong Chiến dịch Musketeer. Những chiếc Corsair được sơn màu vàng với những sọc đen cho dễ nhận diện trong chiến dịch này. Năm 1960, một số máy bay Corsair Pháp được cải tiến để mang bốn tên lửa SS-11 điều khiển bằng dây dẫn. Thực chất đây chỉ mang tính cách thử nghiệm, và ít ai tin nó sẽ hoạt động tốt, vì nó đòi hỏi phi công phải "lái" chiếc tên lửa sau khi phóng bằng một cần điều khiển, trong lúc theo dõi pháo sáng phát ra đàng đuôi, một công việc không dễ dàng đối với máy bay tiêm kích một chỗ ngồi trong những điều kiện chiến đấu. Máy bay Corsair Pháp được cho nghỉ hưu năm 1964, một số còn được trưng bày tại các viện bảo tàng hay trong các bộ sưu tập tư nhân.[39]

Cuộc "Chiến tranh Bóng đá"

Corsair tham gia những phi vụ chiến đấu cuối cùng trong cuộc "Chiến tranh Bóng Đá" giữa HondurasEl Salvador vào năm 1969. Vụ xung đột được châm ngòi do bất đồng ý kiến hai bên về một trận đấu bóng đá, cho dù đó không phải là nguyên nhân thực sự. Cả hai phía đều công bố ghi được những chiến thắng và phủ nhận thông tin do phía kia đưa ra.[40]

Cả Honduras và El Salvador đều sử dụng Corsair trong vụ xung đột này. Không quân El Salvador có 13 chiếc FG-1D Corsair dự trữ và Không quân Honduras có tổng cộng 17 chiếc Corsairs (chín chiếc F4U-5 và tám chiếc F4U-4s) trong danh sách, nhưng có lẽ không phải mọi chiếc máy bay của cả hai phía đều ở trong tình trạng hoạt động.

Những chiếc máy bay được sử dụng chủ yếu trong vai trò tấn công mặt đất, và những báo cáo cho thấy rằng có vẽ như phía Honduras sử dụng những chiếc Corsair của họ tốt hơn đối phương. Sự thành công của những chiếc Corsair Honduras trong cuộc chiến phần lớn nhờ vào chiến lược của họ sử dụng những máy bay tiêm kích cho cả các mục tiêu chiến lược lẫn chiến thuật. Trong một cuộc không kích thực hiện bởi Honduras, họ đã phá hỏng đường băng của một sân bay chủ yếu của đối phương, và cùng lúc đó phá hủy một chiếc Corsair của El Salvador trên mặt đất. Một cuộc tấn công khác cũng của Honduras vào một kho dầu thương mại đã phá hủy 20% dự trữ nhiên liệu của El Salvador.

Chiến tranh giữa Honduras và El Salvador kết thúc vào ngày 19 tháng 7, và với nó, lịch sử chiến đấu của chiếc Corsair đạt đến cực điểm. Thiết kế của Vought năm 1938 được đưa ra hoạt động chiến đấu lần đầu tiên năm 1943 và những hoạt động cuối cùng tại Trung Mỹ năm 1969 sau 26 năm phục vụ.